Chẩn Đoán Nhu Cầu Dinh Dưỡng Của Cây Trồng

chuan-doan-dinh-duong-cay-trong

Tại sao chúng ta phải chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng?

Chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây là xem cây thiếu hoặc thừa chất gì có ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng phát triển của cây, từ đó có biện pháp khắc phục, bổ sung để cây trở lại sinh trưởng phát triển bình thường, cho năng suất cao.

Trong thực tế sản xuất rất nhiều khi nhu cầu dinh dưỡng của cây không được đáp ứng một cách thích đáng, hoặc thiếu hoặc thừa đều không tốt. Nguyên nhân của hiện tượng này có liên quan đến tình trạng sinh sống của cây, đến hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất. khả năng dự trữ và cung ứng chất dinh dưỡng của đất và các điều kiện môi trường khác (khí hậu, mực nước…), song quan trọng nhất là sự cung ứng qua phân bón, do bón phân không đủ, không cân đối.

Cơ sở chủ yếu để chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây là triệu chứng biểu hiện ở cây khi thiếu hoặc thừa chất và kết quả phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cây và trong đất. Ngoài ra cần kết hợp quan sát, tìm hiểu các yếu tố liên quan đến sự hút chất dinh dưỡng của cây (tình trạng cây, tình trạng đất, thời tiết) và tình hình phân bón. Cũng cần chú ý thêm là sự thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng còn chịu ảnh hưởng tác động tương hỗ giữa các nguyên tố. Thiếu hoặc thừa một nguyên tố này có thể dẫn đến thiếu hoặc thừa nguyên tố khác.

  • Cùng tìm hiểu các loại phân bón lá bổ sung trung, vi lượng cho cây trồng

Các Triệu Chứng Cây Trồng Thiếu Hoặc Thừa Chất Dinh Dưỡng

Các triệu chứng này nói chung thường biểu hiện rõ trên lá, nếu bị nặng có thể biểu hiện trên toàn cây, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất, chất lượng của cây.

Triệu chứng cây trồng thiếu chất dinh dưỡng

nhu-cau-dinh-duong-cua-cay-trong-va-bieu-hien-thagricare
Chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng. Thiếu thừa các chất

Cây Thiếu Đạm:

Biểu hiện đầu tiên và rõ ở cả lá non mới ra. Lá nhỏ hơn bình thường, màu ngả vàng. Khi lá già bị vàng rõ hơn, hơi đỏ và rụng sớm. Màu vàng do thiếu đạm xuất hiện đều khắp phiến lá, kể cả gân lá, chóp và mép lá vàng đậm hơn và hơi khô. Cây sinh trưởng chậm, cằn cỗi, trên lá thường có vết đốm nâu. Hoa ra ít và nở châm, quả ít, nhỏ, chất lượng kém.

Cây Thiếu Lân:

Khi cây trồng thiếu lân, lá cây ngả màu xanh đen hoặc có những vết nâu đỏ, sớm bị khô và rụng. Cây ngô bị thiếu lân trên lá có những vệt đỏ huyết dụ rất đặc trưng. Cây thiếu lân sinh trưởng kém, hoa ít quả nhỏ.

Cây Thiếu Kali:

Triệu chứng đầu tiên thường thấy ở các lá già do kali được chuyển đến cung cấp cho lá non. Lá chuyển màu xanh đậm, có các đốm hoặc vệt dài màu vàng, chóp và mép lá bị khô, sau đó toàn lá vàng và rụng sớm. Các triệu chứng trên lan dần sang lá non, cây sinh trưởng kém, thấp bé. Rễ cây thiếu kali phát triển yếu và thường bị thối. Hoa, quả bị rụng, hạt kém mẩy, củ ít, nhỏ và xốp.

Cây Thiếu Canxi:

Biểu hiện đầu tiên và rõ nhất là đọt cây bị héo khô, các lá non uốn cong như hình vỏ sò, một phần lá héo khô. Nụ và hoa sớm bị rụng, quả biến dạng, thân và cành yếu. Rễ ít phát triển, cây sinh trưởng kém.

Cây Thiếu Lưu huỳnh:

Cây trồng thiếu lưu huỳnh tương tự như thiếu đạm, lá non chuyển màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang màu vàng cam, nhưng sự chuyển màu ở cây thiếu lưu huỳnh thường biểu hiện nhanh và trầm trọng hơn. Cây cằn cỗi nhưng bộ hệ rễ vẫn phát triển bình thường. Khi thiếu năng toàn bộ lá cây đều bị vàng, cây chết.

Cây Thiếu Magiê:

Biểu hiện đặc trưng là trên phiến lá giữa các gân có mảng màu vàng úa kéo dài tới mép và đỉnh lá, để lại phần xanh có hình tam giác mà đỉnh hướng về phía chóp lá. Lá cong và mỏng hơn bình thường, sớm rụng, cây sinh trưởng kém.

Cây Thiếu Mangan:

Biểu hiện rõ ở các lá non có những vết vàng nhạt giữa các gân lá, giữa vết vàng và phần xanh có ranh giới rõ rệt. Sau đó những vết vàng này trở nên khô, đôi khi bị thủng rách. Cây sinh trưởng kém, cằn cỗi.

Cây Thiếu Kẽm:

Các lá đọt nhỏ hẳn lại, phiến lá biến vàng trên đó nối rõ lên các gân còn xanh. Các đốt ngọn co ngắn lại, cây cằn cỗi.

Cây Thiếu Đồng:

Khi cây thiếu đồng, biểu hiện điển hình là lá chuyển màu vàng úa và hơi cong lên. Với các cây ngũ cốc thiếu chất đồng thường có hiện tượng đỉnh lá biến vàng hoặc trắng.

Cây Thiếu Sắt:

Trên lá non có một mạng lưới các gân xanh nổi trên phiến lá màu vàng nhạt, mép lá hơi bị cong lên. Biểu hiện tồn tại đến khi lá lớn, lá sớm rụng, hoa ít, quả nhỏ.

Cây Thiếu Bo:

Triệu chứng thường xuất hiện đầu tiên là các lá chồi ngọn bị chết, đôi khi một phần lá trưởng thành bị héo đột ngột và khô. Lá hơi bị cuốn lại và trở nên giòn. Thiếu nặng từ chối ngọn thường đâm ra những chồi phụ, bộ rễ kém phát triển, ngắn lại. Ở các cây lấy củ thiếu Bo làm ruột có màu nâu.

Cây Thiếu Molipden:

Lá chuyển màu vàng nhạt giống như thiếu đạm, đôi khi có các chấm lốm đốm giữa các gân lá, lá non hơi xoăn lại.

Cây Thiếu Clo

Biểu hiện chính là cây úa vàng và héo khô giống như bị mặn.

Trên đây là những triệu chứng chung nhất. Ở mỗi loại cây khác nhau khi thiếu cùng một chất có những biểu hiện cụ thể đôi khi khác nhau. Để chẩn đoán chính xác cần có kinh nghiệm hoặc phải dựa vào các cơ sở khác như phân tích hàm lượng chất dinh dưỡng trong cây, trong đất, tình trạng đất, tình hình bón phân, thời tiết…

chuan-doan-dinh-duong-cay-trong
Chuẩn đoán dinh dưỡng cây trồng

Triệu chứng khi cây thừa chất dinh dưỡng

Trong thực tế cũng có nhiều trường hợp đất dư thừa chất dinh dưỡng do điều kiện tự nhiên hoặc do người bón phân thêm vào. Tình trạng này cũng ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây hoặc làm cây bị ngộ độc.

Các biểu hiện ngộ độc do dư thừa chất thường thấy là:

Cây Ngộ độc Đạm:

Cây có màu xanh thẫm, lá phát triển nhiều, cây mềm yếu dễ đổ ngã, dễ nhiễm sâu bệnh, chậm ra hoa, hạt lép, quả nhiều nước và mềm ủng, dễ thối. Ngộ độc đạm Nitrat NO3- là lá già dễ gãy gục, mặt ngoài của rễ bị cháy. Ngộ độc đạm Amon NH4+ sinh ra vết đen quanh chóp lá già, lá héo chết.

Cây Ngộc độc Lân:

Đầu lá bị đen, lá non chuyển màu, lá già xuất hiện các vết nứt gãy, cây có thể bị chết khô.

Cây Ngộ độc Kali:

Dư thừa kali dẫn tới thiếu magiê, đôi khi thiếu cả mangan, kẽm và sắt.

Cây Ngộ độc Lưu huỳnh:

Cây sinh trướng kém, lá nhỏ có thể biến vàng và cháy.

Cây Ngộ độc Magiê:

Thừa magiê dẫn tới thiếu hụt kali.

Cây Ngộ độc Canxi

Dễ gây triệu chứng thiếu kali, mangan, kẽm và sắt do đất quá kiềm.

Cây Ngộ độc Đồng:

Cây cằn cỗi, lá xanh đậm, hơi dày và cong, đẻ nhánh kém, rễ ít phát triển. Thường xảy ra do sử dụng nhiều thuốc trừ nấm gốc đồng.

Cây Ngộ độc Nhôm:

Xuất hiện sọc vằn vàng trắng ở những lá già, lá khô héo, rễ kém phát triển và quăn. Thường xảy ra trên đất phèn.

Cây Ngộ độc Sắt:

Cũng thường thấy trên đất chua phèn, thừa sắt làm lá già chuyển màu đồng, cây khó hấp thu dẫn đến thiếu lân, kali và kẽm.

Cây Ngộ độc Clo:

Chóp và mép lá bị cháy, lá nhỏ, một số trường hợp lá mất màu.

Nói chung với các chất vi lượng bình thường ít xảy ra trường hợp ngộ độc do dư thừa, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như đất chua phèn nhiều sắt, nhôm di động gây ngộ độc hoặc khi sử dụng quá mức. Trong các chất đa lượng và trung lượng thì đạm và canxi dễ bị dư thừa do muốn cây sinh trưởng mạnh bón nhiều đạm và bón vôi quá mức khử chua. Đã xảy ra hiện tượng thừa lưu huỳnh ở vùng cà phê Tây Nguyên do bón liên tục nhiều phân có hàm lượng lưu huỳnh cao (NPK 16-16-8 + 13S). Trên vùng rau Đà Lạt có hiện tượng ngộ độc canxi do vụ nào cũng bón vôi. Cây cà chua và cây nho dễ bị ngộ độc đồng do dùng nhiều thuốc trừ nấm gốc đồng.

Hiện tượng thiếu chất vẫn là phổ biến và nghiêm trọng hơn do đất canh tác liên tục lâu ngày bị cạn kiệt mà ít được bón bổ sung đầy đủ. Triệu chứng cây bị thiếu hoặc dư thừa nguyên tố cũng coi như bị bệnh và xếp vào nhóm bệnh không truyền nhiễm.

Hy vọng những dấu hiệu trên giúp nhà nông chúng ta biết được cây thiếu, thừa chất dinh dưỡng để có biện pháp cải thiện chất lượng cây trồng hơn nhé!

Nguồn: Dinh dưỡng cây trồng và phân bón – NXB Nông Nghiệp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *